Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 81: Xác ướp của các lạt-ma Tây Tạng

07/11/2014, 16:31

Dưới thời Mao Trạch Đông, hồng vệ binh kéo đến xâm hại ngôi chùa cổ Trát-thập Luân-bố do ngài Đạt-lai Lạt-ma đời thứ nhất dựng lên (từ năm 1447) – nơi có ngôi tháp nạm ngọc thờ di thể các Ban thiền được giữ gìn nguyên vẹn  theo bí thuật ướp xác Tây Tạng... >>Kỳ 80: Những bí ẩn dưới điện Potala >> Kỳ 81: Xác ướp của các lạt-ma Tây Tạng

Lobsang Rampa – tác giả tiết lộ “Những bí ẩn dưới điện Potala” (xem Kỳ 80) – tiếp tục thông tin về cách ướp xác theo kỹ thuật bí truyền Tây Tạng tóm lược trong bài viết kỳ này.

Song trước hết, có lẽ các độc giả cũng cần biết xuất thân và hành trạng của ngài Lobsang Rampa qua các câu trích dẫn từ nguyên văn bản dịch (trong ngoặc kép) với phần hồi ức của ngài Rampa (theo cuốn “Các lạt-ma hóa thân”, 355 trang - sđd. Kỳ 80) do Lê Nguyễn dịch, dưới đây:

Lobsang Rampa là một vị lạt-ma hóa thân, tái sinh trong một gia đình quý tộc “có thế lực vào bậc nhất Tây Tạng”. Thân phụ của ngài Rampa lãnh đạo guồng máy hành chánh của nhà nước Tây Tạng (vào trước thời Mao Trạch Đông chuyển đổi Tây Tạng thành khu tự trị):
“Đứng đầu quốc gia và giáo hội là đức Đạt-lai Lạt-ma còn gọi Phật sống. Ngài vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là nhà lãnh đạo tôn giáo và thẩm phán tối cao của nền công lý xứ này. Tóm lại, ngài nắm trọn quyền lập pháp, hành pháp và cả tư pháp nữa.
Dưới quyền lãnh đạo của Đạt-lai Lạt-ma có hai hội đồng: Hội đồng tôn giáo gồm 4 vị lạt-ma trưởng lão trông nom vấn đề tôn giáo. Hội đồng nội các gồm 4 vị tổng trưởng mà trong đó một người là tu sĩ, 3 người kia là dân sự chịu trách nhiệm cai trị toàn xứ. Cha tôi (phụ thân ngài Lobsang Rampa) là người đứng đầu Hội đồng nội các - là thủ tướng. Dưới Hội đồng nội các còn một quốc hội gồm 120 người nghị viên đại diện cho 120 làng mạc trong nước, các nghị viên này phần lớn là tu sĩ” (Lobsang Rampa - sđd tr.17).
Quá bận rộn vì chức trách trên, thân phụ của Rampa đã giao ngài cho võ sư Tzu (là người có sức mạnh “nhấc bổng một con trâu Yak lên khỏi mặt đất”) huấn luyện và giám thị ngài từ lúc mới lên bốn tuổi.

Đến sinh nhật lần thứ 7 của Rampa có hơn 200 người được phái lên các ngọn núi tuyết cao vọi, vắng vẻ để cất công tìm hái những bông sen hiếm hoi mọc trong tuyết (tuyết liên) về ngâm với mật ong, trộn chung cùng các dược thảo Tạng truyền, vớt ra và phơi giữa trời cho gió thổi khô đi, giòn ngọt. Món mứt “tuyết liên” tuyệt vời ấy đem dọn mời hai vị chiêm tinh gia giỏi nhất Tây Tạng - đã tham cứu lá số của Rampa trước đó nhiều ngày - và lên tiếng tiên tri (đại ý):

- Cậu bé sẽ dâng hiến tuổi thơ của mình trong một tu viện để trở thành tu sĩ và cũng là một y sĩ nắm giữ bí quyết của nền y học Tây Tạng. Khi trưởng thành, cậu phải sống tha hương ở xứ người và sẽ “mất tất cả” để rồi sẽ “có lại tất cả” từ con số không…

Chiêm tinh gia dứt lời, bầu khí huyền bí sâu lắng bao trùm quanh lễ sinh nhật và không lâu sau đó Rampa được gởi vào tu viện Chakpori theo đúng tiên tri.

Và cuộc đời ngài quả nhiên diễn ra như đường vận hành của “ngôi sao định mệnh” được báo trước. Ngài sang Trung Hoa, trôi dạt đến Anh quốc và một số nước khác ở châu Âu. Đến Mỹ (1934) giới thiệu và bắt tay thực hiện việc chữa trị theo bí quyết Tây Tạng ở bệnh viện y khoa John Hopkins và một số trung tâm y học quốc tế khác “đánh đổ quan niệm và thành kiến của các nhà khoa học Hoa Kỳ (thời bấy giờ) về môn y học Á Đông”. Những nỗ lực của ngài cũng góp sức tạo uy tín, thu hút giới trí thức Âu Mỹ hướng tầm nhìn về lịch sử Tây Tạng, cũng như nền y học và triết học thâm mật của xứ này. Đặc biệt nữa, ngài góp phần mở đường để vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 xuất hiện trên trường quốc tế cuối thập niên 1950 sau ngày bị đặc vụ của Mao Trạch Đông truy bắt.

Đạt được những điều ấy nhờ ngài đã hấp thụ nền tảng kiến thức y học và chương trình giáo lý bí truyền từ nhỏ đến lớn ở tu viện Chakpori. Trước lúc qua đời, Sư trưởng tu viện Chakpori (trụ trì hơn 100 năm) gọi ngài đến ân cần an ủi, dặn dò và trao sứ mệnh (…) rồi thị tịch.

Dầu đã mất, nhục thân của Sư trưởng vẫn ngồi an nhiên theo thế liên hoa

Sau lễ cầu siêu cùng các nghi thức vãng sanh, nhục thân Sư trưởng được đưa lên bàn đá để bắt đầu các giai đoạn ướp xác (do ngài Rampa thuật lại):

1. Tẩy uế lau rửa bên ngoài nhục thân bằng thứ nước thơm nấu từ nhiều dược thảo chỉ mọc ở bình nguyên Tây Tạng, mổ lấy tất cả nội tạng “đem cất vào trong những cái vại sành đóng chặt”, rồi lau khô phía bên trong cơ thể bằng chất thuốc đặc chế “thứ thuốc này sẽ đông đặc lại và nhờ đó thân hình người chết sẽ giữ được vẻ ngồi tự nhiên như khi còn sống”.

2. Đợi thuốc khô cứng lại, mới nhồi một số tơ lụa có tẩm sẵn dược liệu và hương liệu vào bên trong xác ướp. Công đoạn này cần đến ít nhất 10 lạt-ma thông hiểu y lý và nắm vững bí quyết ướp xác thực hiện một cách kiên nhẫn từng tý một trong suốt nhiều ngày đêm (không ước định trước là bao lâu, chỉ lấy việc hoàn tất theo yêu cầu làm kỳ hạn cuối cùng). Lưu ý: tu viện Chakpori là nơi đào tạo các danh gia y học Tây Tạng. Họ đắp từng lớp tơ lụa mỏng có ướp thuốc cho đến khi chúng dày lên tới độ cần thiết cho kỹ thuật ướp xác. Trong quá trình đó họ phải để mắt theo dõi, canh chừng để “luôn luôn đổ thêm những chất thuốc khác nhau lên da thịt, đợi cho khô, rồi dán lên đó những lớp lụa thật mỏng”.

3. Khi nhục thân bảo đảm ướp đầy các lớp tơ lụa đủ liều lượng, xác chuyển xuống căn phòng xây lún sâu vào vách đá, đặt trên sàn nhà có rải lớp thuốc nghiền thành bột rất dày. Ở đó một lò nung đặc chế “với những lỗ thông hơi chằng chịt để giữ nhiệt độ luân chuyển đều đặn quanh bức tường” thiết kế sẵn. Mọi người rút lui, đóng cửa lại, để xác nằm giữa phòng và các lạt-ma châm lửa “suốt bảy ngày ngọn lửa tí tách cháy - đến ngày thứ tám người ta mới tắt lửa” nhưng chưa mở cửa phòng vội. Phải đợi thêm vài hôm sau “khi nhiệt độ trong phòng hạ xuống, người ta mới mở ra” - bắt đầu công đoạn khác.

4. Các lạt-ma chuyên trách “cạo hết các lớp bột bám quanh xác ướp và bóc hết các lớp vải bọc bên ngoài (…) cái xác trơ trụi y như lúc còn sống, chỉ hơi đen xám đi một chút”, bấy giờ nhìn vào thấy xác ướp dường như “có thể sống dậy bất cứ lúc nào”.

5. Để giữ lâu bền và làm đẹp hơn, những kỹ thuật viên chuyên trách “đắp các lớp vàng thật mỏng lên thi thể xác ướp - họ làm việc thật thong thả, phết những lớp vàng tế nhuyễn, tinh xảo và khi hoàn tất, họ để lại một xác ướp mạ vàng coi tự nhiên như người sống” và đưa lên kiệu chuyển đến “một đường hầm bí mật mà cửa vào được ngụy trang hết sức cẩn thận”. Đi hết đường hầm ấy, đến một căn phòng rộng lớn chứa 98 xác ướp được an vị, thờ sẵn tự bao giờ…Thêm xác ướp của Sư trưởng vào chỗ ngồi dành sẵn cho ngài, con số các “lạt-ma hóa thân” lên 99 vị.

Xong lễ, Rampa theo các lạt-ma bước ra “bỗng nhiên tôi (Rampa) thấy một sức hấp dẫn lạ lùng mãnh liệt từ một xác ướp bọc vàng. Tôi có cảm giác như cái xác ướp đó mỉm cười với tôi. Đầu óc tôi bỗng vô cùng hoang mang, choáng váng như có một cái gì đó thúc đẩy tôi bước nhẹ đến bên xác ướp”. Thoáng trong sát-na, ngắn chỉ bằng hàng trăm nghìn phần của một tích-tắc, Rampa bỗng đột ngột rơi vào tâm thái khác thường, toàn thân run lên không kìm hãm được. Ngài viết: “tôi bị xác ướp đó thu hút, dường như nó biết rõ tất cả về tôi. Bỗng dưng một bàn tay để nhẹ lên vai làm tôi giật mình, suýt té xỉu. Tôi quay người lại và nhận ra sư phụ mình. Người nói thật khẽ:

- “Phải đó, con đã nhận ra cái xác của con hồi kiếp trước. Chúng ta biết con sẽ tự nhận ra mình” (Còn nữa)
>> Kỳ 81: Xác ướp của các lạt-ma Tây Tạng
>>Kỳ 80: Những bí ẩn dưới điện Potala

Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 81: Xác ướp của các lạt-ma Tây Tạng