Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 27: Ba đoạn văn viết về một "cái bẫy chết người"

26/07/2014, 08:15

Đó là “cái bẫy quyền lực” được Mao Trạch Đông sử dụng rất lão luyện dùng cài đặt dưới chân các đối thủ của mình trên “trường đua danh lợi”…

Một trong các bí quyết thành công của Mao Trạch Đông là nắm đúng thời điểm ra tay, ứng phó mau lẹ quyền biến theo từng hoàn cảnh - kể cả tận dụng lúc mình đang bệnh để “cài bẫy” Chu Ân Lai. Theo những người có mặt kể lại, đầu năm 1972 Mao bệnh nặng, có lúc hôn mê, nhưng rồi cũng hồi phục và nghĩ ra màn kịch “trao quyền bên giường bệnh”. Mao gọi Chu đến, thì thào:

“- Tôi không qua khỏi được rồi, tất cả dựa vào ông !

Chu nói ngay: “Sức khỏe của Chủ tịch không có vấn đề lớn, vẫn phải dựa vào Chủ tịch. Mao lắc đầu:

- Hỏng rồi, tôi không qua được nữa rồi. Sau khi tôi chết, mọi việc do ông lo liệu !

Giang Thanh đứng bên trợn tròn mắt, hai tay nắm chặt… Chu Ân Lai thu đôi chân lại, tay đặt trên đầu gối, hơi ngả về phía trước, như đông cứng lại. Những câu nói trên của Mao rõ ràng là muốn trao cho Chu quyền quản lý đảng, chính quyền và quân đội, mà lại nói trước mặt Giang Thanh. Mao tiếp:

- Quyết định thế nhé, các người thực hiện đi !

Một con người được tôi luyện về chính trị như Chu Ân Lai tất nhiên không nhẹ dạ tin vào lời hứa trao quyền của Mao” - theo Tân Tử Lăng.

Trước mắt Chu Ân Lai, cái lưới của thần chết giăng lơ lửng trên bầu trời Trung Nam Hải rồi chụp xuống thân phận của Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu ngày nào còn đó. Họ làm Phó Chủ tịch đảng, được Mao chọn kế vị, lại ghi rõ vào điều lệ đảng hẳn hoi, nhưng kết thúc chẳng ra gì. Để hiểu thêm nước cờ chính trị lắc léo của Mao Trạch Đông từng đưa Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu “qua sông tử thần”, lại mưu đẩy Chu Ân Lai vào hiểm địa, chúng tôi trích dưới đây ba đoạn văn của Tân Tử Lăng đúc kết và soi sáng sự kiện để bạn đọc tham khảo:

1. Với Lưu Thiếu Kỳ: “Khi chân lý trong tay, Mao có thể bao dung các đối thủ, đoàn kết với cả phe phản đối. Nhưng thường khi Mao đuối lý, phát hiện mình sai rồi, thì ông ta không thể bao dung phái phản đối, mà quyết tâm đẩy họ vào chỗ chết, để trừ hậu họa - đó là lý do vì sao Mao tàn bạo đến tận cùng đối với những người bạn cũ như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài”.

2. Với Lâm Bưu: Mao bất thần đặt câu hỏi với Lâm tại biệt thự Tô Châu: “Tôi già rồi, ông cũng không khỏe, ông chuẩn bị sau này chuyển giao quyền lực cho ai ?”. Lâm ngớ người chưa kịp đáp, Mao hỏi thêm: “Ông thấy Trương Xuân Kiều thế nào ?”. Ý thật của câu hỏi trên là : “Ông thấy Giang Thanh thế nào ?”.
Nhưng Lâm Bưu không hiểu câu hỏi quan trọng nhất này, nên trả lời vòng vo (nếu Lâm hiểu ý, kiến nghị người được chuyển giao quyền lực sẽ là Giang Thanh thì Mao hài lòng). Do “đáp án” trượt khỏi bài bản của Mao, nên “đó là bước ngoặt Mao - Lâm chia tay nhau về chính trị”.
Giây phút ấy Lâm vẫn chưa thấu rõ lòng dạ và bước đi hiểm hóc của Mao. Cả đến nay “một số học giả cho rằng vụ 13.9 (ngày Lâm Bưu lên máy bay chạy trốn và tử nạn) là do Mao Trạch Đông ép Lâm Bưu trở mặt”. Thật ra: “Không thể lật lại vụ án Lâm Bưu. Bởi từ Đại tiến vọt tới Đại cách mạng văn hóa, Lâm Bưu là tội nhân giúp Mao lộng hành. Cuộc đấu tranh giữa Mao và Lâm là mâu thuẫn giữa hai phe phái phong kiến, có “kẻ thắng người thua” chứ không có “người sai kẻ đúng”. Vì tiếp tục vương triều họ Mao hay thiết lập vương triều họ Lâm đều không phải là cái phúc của nhân dân Trung Quốc. Lâm Bưu phản đối phe Giang Thanh tham gia triều chính đương nhiên là đúng - nhưng Lâm Bưu muốn bồi dưỡng Lâm Lập Quả (con trai Lâm Bưu) thành người kế tục và nếu triều đình nhỏ này được thiết lập, Trung Quốc sẽ biến thành Triều Tiên, sẽ là một nền chuyên chính phát xít ghê gớm hơn”. Vì thế tập đoàn Lâm Bưu bị đập tan đã “loại trừ trở ngại lớn ngăn cản Trung Quốc đi tới nền hiến chính dân chủ, lại vừa loại bỏ được khả năng thiết lập vương triều họ Lâm, vừa làm suy yếu khả năng kéo dài vương triều họ Mao. Đó là việc có lợi để Trung Quốc tiến tới cải cách, mở cửa, đi đến nền hiến chính dân chủ”.

Mao Trạch Đông che đậy rất kỹ mưu toan đưa Giang Thanh kế tục mình và “Lâm Bưu chỉ là cầu thủ “chuyền 2” giành được bóng từ tay Lưu Thiếu Kỳ là hoàn thành nhiệm vụ. Lâm Bưu không thấy rõ điều này, không hộ giá để thiết lập vương triều họ Mao, mà chỉ lăm le kế tục, lập tức trở thành trở ngại lớn ngăn cản Mao Trạch Đông thiết lập thể chế gia đình trị. Mao bắt đầu cuộc đấu tranh nhằm lật người kế tục thứ hai này (hậu quả như đã thấy)”.

3. Với Chu Ân Lai: “Nếu Mao Trạch Đông thật sự muốn trao quyền, Mao phải triệu tập cuộc họp Ban chấp hành trung ương, ít nhất là Bộ Chính trị, tuyên bố trước mọi người, rồi Trung ương ra nghị quyết tương ứng, mới có giá trị. Đóng kịch trên giường bệnh, trước mặt Giang Thanh, lão Mao già dặn kinh nghiệm muốn gì?” (còn nữa)

Giao Hưởng


Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 27: Ba đoạn văn viết về một "cái bẫy chết người"