Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 44: Mao muốn chinh phục trái đất?

20/08/2014, 06:35

Đúng, Mao Trạch Đông nói với các nguyên soái, tướng lãnh, tư lệnh các đại quân khu của Trung Quốc: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”!

Câu ấy Mao phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 9.1959 và lần khác tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng CS TQ ba năm trước đó (1956) Mao đã khơi mào: “Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm nữa, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới”. Thực tế: “Đại nhảy vọt” cộng thêm “Cách mạng văn hóa vô sản” đẩy Trung Quốc trượt rất xa mục tiêu chiến lược ấy.

Để trỗi dậy, Mao và những người lãnh đạo Trung Quốc đã trở mặt, lật ngược chính sách liên minh: “đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện”. Ngoài Mỹ, dẫu bị mù, Mao vẫn gắng ngồi dậy theo “kịch bản ngoại giao” đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo mà trước kia họ và Mao có một “hố thẳm tư tưởng” ngăn cách và dường như không thể vượt qua, như Tổng thống Philippines: Ferdinand Marcos, Tổng thống Zambia: Dawda Jawara, Chủ tịch Liên minh xã hội Cơ đốc giáo Cộng hòa Liên bang Đức: Leo Strauss…
Các cuộc đàm thoại trên, Mao “nhìn không rõ diện mạo của khách” – khi khách đưa tay ra bắt, Mao “cũng không nhìn rõ, phải chầm chậm thì mới có thể bắt tay được”. Khách đến, hoặc xong việc bước ra, Mao không đưa tiễn vì “không thể đi lại được (…), không thể tự đứng dậy, đã đứng dậy rồi lại không thể tự ngồi xuống” – nhưng “còn may là tất cả những điều đó người ngoài không nhận ra” (Trần Trường Giang, sđd, tr.348).
Có một lần, Thủ tướng Thái Lan Kukrit Pramoj phát hiện khi đưa tay ra bắt, mắt Mao không nhìn thẳng mà lại nhìn… lên phía trên đỉnh đầu Pramoj. Và khi Pramoj tặng quà hữu nghị, Mao “không tỏ ra vui cũng chẳng tỏ ra buồn, không có một biểu hiện tình cảm nào”, vì mắt Mao không thấy Pramoj trân trọng trao quà, nên Mao không có biểu lộ thích ứng.
Trong những nhân vật Mao Trạch Đông nồng nhiệt tiếp đãi có hoàng thân Norodom Sihanouk. Mặc dầu giữ lập trường trung lập, song Sihanouk bị Mỹ xem là “thiên tả” vì đã công khai ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với hai liên minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á là Thái Lan và Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) vào những năm đầu thập niên 1960.
Để lôi kéo Sihanouk, Mỹ tự kiềm chế, tung “củ cà rốt” viện trợ Campuchia, nhưng lại bị Sihanouk từ chối. Cuối cùng Mỹ phải dùng đến “cây gậy thép” sở trường: đưa 18.000 lính Mỹ vượt biên giới Tây Nam VN mở rộng chiến tranh sang Campuchia vào đầu năm 1970, yểm trợ để Sirik Matak và Lon Nol chỉ huy “cánh hữu” đảo chánh, lật đổ Sihanouk ngày 18.3.1970 lúc ông đang ở Pháp. Sihanouk phải bay sang Trung Quốc tá túc, thành lập Chính phủ vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia (GNURC) với sự tán thành giúp đỡ của Mao Trạch Đông.
Hai tháng sau ngày bị lật đổ (20.5.1970), Sihanouk được Mao Trạch Đông mời đứng bên phải Mao trên lễ đài của cuộc mít tinh khổng lồ với hơn một triệu người tham dự tại quảng trường Thiên An Môn. Mao đọc diễn văn ca ngợi Sihanouk hết lời, hứa ủng hộ chống chế độ Lon Nol do Mỹ dựng lên và mời Sihanouk phát biểu trong tiếng vỗ tay hoan hô như sấm của cả một triệu người: “Đó là một vinh dự hiếm thấy và duy nhất dành cho một người nước ngoài – đặc biệt là đối với một người không còn cầm quyền ở nước mình nữa” (Hồi ký Sihanouk: Những lãnh tụ thế giới mà tôi từng biết – Hoàng thân Norodom Sihanouk cùng Bernard Krisher, Trần Chí Hùng dịch, Nguyễn Quốc Uy hiệu đính, NXB Công an Nhân dân, 1999, tr.156).
Mao Trạch Đông ưu ái tặng Sihanouk một trong các dinh thự đẹp nhất Bắc Kinh (nguyên trước kia là tòa nhà Sứ quán cũ của Pháp) để Sihanouk cùng vợ – bà Monique – cư ngụ. Sihanouk cảm động, có lần lên tiếng cám ơn Mao Trạch Đông. Nhưng Mao ngắt lời, nói:

- “Đừng cám ơn chúng tôi, mà chúng tôi, Trung Quốc, phải cảm ơn ngài. Những vũ khí và tiền bạc gửi sang cho các lực lượng kháng chiến Campuchia không có thể so sánh được với những sự hy sinh anh dũng của những người đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh chung của chúng ta chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Trong cuộc đấu tranh này, những người phải chịu đựng hy sinh là nhân dân Khmer và nhân dân Việt Nam, chứ không phải nhân dân Trung Quốc chúng tôi. Chúng tôi sẽ được lợi nhờ chiến thắng của các ngài” – Hồi ký Sihanouk, sđd. tr.155

Theo thời gian, mối thâm tình giữa Mao và Sihanouk có một tác nhân thứ ba chen vào, ngăn cách, như Sihanouk bày tỏ: “Sau đó ông (Mao Trạch Đông) đã hết lòng ủng hộ chế độ Pol Pot, nhắm mắt làm ngơ trước những hành động vô nhân đạo thái quá của chế độ này, ông chỉ coi nó như một cuộc cách mạng vô sản cổ điển mà ông từng mong ước, đích thân làm người lính xung kích suốt đời. Với chủ ý, ông đã phớt lờ chủ nghĩa cực đoan của Khmer Đỏ và thờ ơ một cách lạnh lùng đối với những thương vong mà Khmer Đỏ gây ra” – Sđd, Tr.153.
Sihanouk rất trân trọng việc Mao tử tế với mình trong suốt 5 năm sống lưu vong tại Bắc Kinh. Nhưng cuối cùng, vì sau khi hồi tưởng giai đoạn đầu mới gặp, nhắc đến “đôi mắt sáng” của Mao ngày nào, Sihanouk lại cảm thán: “Cặp mắt thông minh và sắc sảo, luôn luôn sống động (của Mao Trạch Đông) như thể đang tìm cách cuốn lấy anh giống như trong trò chơi mèo vờn chuột vô hại – trong trường hợp này, thật không may, con chuột không phải ai khác mà là chính tôi” – sđd, tr.150 (còn nữa).
>>Kỳ 43: Từ văn kiện tuyệt mật chống VN đến 600 ngày tăm tối của Mao
>> Kỳ 42: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Diệp Kiếm Anh và Chu Ân Lai
Giao Hưởng
Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 44: Mao muốn chinh phục trái đất?