Nhậm chức tổng thống 12.4.1945, Truman nhanh chóng trở thành “khắc tinh” của các lãnh tụ Cộng sản - đứng đầu là Stalin và Mao Trạch Đông.
* TUYÊN CHIẾN VỚI NHỮNG “BÓNG MA MÀU HỒNG”:
Trong diễn văn nẩy lửa đọc trước Quốc hội 12.3.1947, Truman đã minh định “sứ mạng lãnh đạo thế giới tự do” của Mỹ, nhằm chống lại “sự bành trướng của Liên Xô” và các nước Đông Âu có “màu cờ đỏ”. Nhằm mục tiêu “chống Cộng” đó, suốt 8 năm ở Nhà Trắng (1945-1953), Truman đốc thúc triển khai thử nghiệm thành công bom H(5.1951) có sức công phá hơn 100 lần hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki; chế tạo và bay thử thành công pháo đài bay ném bom rải thảm B52 (4.1952); hạ thủy tàu sân bay Coral Sea thuộc lớp Midway với lượng choán nước 52.500 tấn, sức chở hơn 4.500 quân và 75 máy bay tiêm kích, cường kích, gây nhiễu không gian đối phương... Vài sự kiện “diều hâu” khác (của Truman):
· Thành lập Cục tình báo trung ương Mỹ CIA (Central Intelligence Agency) và cử nhân vật tin cậy của mình là thủy sư đô đốc Roscoe H. Hillenkoetter làm giám đốc đầu tiên của CIA (1947). Nhưng hai năm sau, Truman trách cứ và lạnh nhạt với Roscoe, vì Roscoe có những đánh giá khá thiện cảm với phong trào Việt Minh trong một báo cáo tuyệt mật. Thêm nữa, Roscoe công khai lên tiếng bênh vực lập trường dân tộc của Hồ Chí Minh trước mặt Truman tại cuộc họp cuối năm 1949, ở Nhà Trắng.
· Truman là tổng thống Mỹ đầu tiên dính líu vào chiến tranh Việt Nam, đãgạt qua một bên ý kiến của giám đốc CIA Roscoe, để tiến hành các biện pháp cứng rắn chống Việt Minh, thông báo viện trợ cho Pháp (8.5.1950) và đưa đoàn cố vấn quân sự đầu tiên của Mỹ: MAAG (MilitaryAssitance and Advisory Group - Indochina) gồm 35 chuyên viên đến Sài Gòn (3.8.1950), mở đầu quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam
· Viện trợ quân sự và kinh tế khổng lồ cho Tưởng Giới Thạch để chống Mao Trạch Đông theo kim chỉ nam của “nguyên tắc Domino” (được lập thuyết bởi tổng thống kế nhiệm Eisenhower). Vậy “nguyên tắc Domino” là gì?
Trần Trọng Trung qua cuốn “Một cuộc chiến tranh sáu đời tổng thống” - một tài liệu tổng hợp cao, được phát hành hơn 30.000 bản trong lần in đầu tiên bởi NXB Văn Nghệ TP. HCM, quý IV-1986, tr.128-129 - đã giải thích: Domino là một loại cờ có 28 quân, người chơi phải đi thế nào để “ngăn chặn không cho đối phương đặt tiếp được quân của họ nữa”. Ứng dụng trên “bàn cờ quốc tế” sau chiến tranh thế giới thứ hai, là phải“dùng viện trợ - trước hết là viện trợ quân sự - làm quân cờ Domino để ngăn chặn sự bành trướng của Cộng sản (…) Người đề xuất nguyên tắc này là tổng thống Mỹ H. Truman. Từ giữa năm 1949 “nguyên tắc Domino” được coi là gốc rễ mọi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Viễn Đông, khi mà nhân dân Trung Quốc đang đứng trước triển vọng thắng lợi trong cuộc nội chiến và nhân dân Đông Dương đang sẵn sàng đón thời cơ chiến lược để đưa cuộc kháng chiến đi vào bước ngoặt. Cơ sở lý luận và thực tiễn của “nguyên tắc Domino” được Hoa Kỳ rêu rao để có cớ can thiệp vào phong trào giải phóng dân tộc ở Viễn Đông là: Nếu Đông Dương “mất” vào tay Cộng sản thì các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á sẽ không tránh khỏi bị Cộng sản xâm nhập và thôn tính theo một phản ứng dây chuyền”.
Nên, ngay hai năm đầu của nhiệm kỳ (1945-1946), Truman hỗ trợ mạnh mẽ chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch (chủ tịchTrung Hoa dân quốc1943-1948 và tổng thốngTrung Hoa dân quốctừ 1948), lúc ấy đang chiếm 67% lãnh thổ với 71% dân số - để chống phá và ngăn chặn sự lớn mạnh của quân đội Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo.
* MAO TRẠCH ĐÔNG VƯỢT “BỨC TƯỜNG LỬA” NAM TRƯỜNG GIANG
Tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn trong cuốn “Cha tôi Đặng Tiểu Bình”, nguyên tác của Mao Mao (Quách Hải Lượng và Trần Ngọc Thuận dịch, NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội 1995, Quyển 1), cho biết:
Từ tháng 9.1945 đến 6.1946, theo lệnh Truman, Mỹ đã “dùng máy bay, tàu chiến chở 14 quân đoàn Quốc dân đảng, ước chừng 540.000 quân từ đại hậu phương Tây Nam, Tây Bắc tới các vùng Hoa Bắc, Hoa Đông, Hoa Nam, Đông Bắc” để sẵn sàng tấn công “Cộng quân”.
Cạnh đó, Truman không chỉ đưa 90.000 thủy quân lục chiến Mỹ vào Trung Quốc (số quân Mỹ đóng trên đất Trung Quốc sau đệ nhị thế chiến lên tới 113.000 người) mà còn huấn luyện tại chỗ 150.000 nhân viên quân sự và tình báo bản địa nhằm “dùng người Trung Quốc đánh người Trung Quốc”.
Với Truman “đình chiến là giả, giúp Quốc dân đảng chuẩn bị chiến tranh là thật” - cung cấp 936 máy bay, cộng một số lượng lớn đại pháo, chiến hạm, xe tăng, cùng nhiều vật tư phương tiện chiến tranh khác cho Tưởng Giới Thạch, giúp phát triển tổng binh lực Quốc dân đảng lên đến 4.300.000 quân (Mao Trạch Đông có 1.270.000 quân). Khi đã xây đắp và củng cố sức mạnh quân sự cho Tưởng ở mức “ổn định”, Truman tuyên bố từ bỏ vai trò “trung gian hòa giải” (1.1947) để rút quân khỏi Trung Quốc, song thực tế “vấn đề nội chính của Trung Quốc tựa hồ như hoàn toàn do người Mỹ chỉ huy và vận hành theo ý định của người Mỹ” (sđd, tr.694-695). Tài liệu ghi:
Riêng nửa đầu năm 1946 Mỹ “cung cấp số quân nhu trị giá 51,7 tỷ đô la Mỹ cho Chính phủ Quốc dân đảng. Mỹ còn chính thức tổ chức một đoàn cố vấn quân sự 2.000 người. Thực chất đó là một cơ cấu quân sự trực tiếp tham dự vạch kế hoạch và chỉ huy nội chiến Trung Quốc”.
Nội chiến đại quy mô (giữa quân đội Tưởng và Mao) bùng nổ tháng 6.1946. Thời điểm đó, Tưởng Giới Thạch nắm ưu thế nhiều mặt, muốn “dùng phương châm chiến lược tốc chiến tốc thắng, dốc 80% binh lực quân chính quy ra, tổ chức tiến công toàn diện vào Đảng cộng sản ở quy mô toàn quốc, dự tính trong vòng từ 3 đến 6 tháng có thể diệt xong quân cộng sản ở khu vực bên trong Vạn lý trường thành, sau đó sẽ giải quyết vấn đề đông bắc”.
Mở đầu, Tưởng Giới Thạch tung khoảng 1.600.000 quân tổng tấn công khu giải phóng Trung Nguyên của Đảng Cộng sản.
Để ứng phó, Mao Trạch Đông mở đợt “rút lui chiến thuật” (6.1946 - 6.1947), chuyển sang “phản công chiến lược” (1948-1949), với 3 chiến dịch lớn: Liêu Thẩm, Hoài Hải và Bình Tân, đánh thiệt hại nặng 1.500.000 quân tinh nhuệ Quốc dân đảng, làm “bàn đạp” vượt Trường Giang (20.4.1949), chọc thủng “bức tường lửa” của 700.000 quân Quốc dân đảng đóng dọc bờ Nam, đánh chiếm Nam Kinh (23.4.1949) - nơi đóng trụ sở của Chính phủ trung ương Quốc dân đảng - và kéo lá cờ đỏ lên đỉnh Phủ tổng thống.
Biết tin, Truman tức giận, triệu tập các tham mưu Bộ Quốc phòng Mỹ và giám đốc CIA Roscoe, chất vấn: Tại sao “quân Tàu đỏ” Mao Trạch Đông lại có thể đánh bại đội quân Tưởng Giới Thạch đông đảo hơn, lại được Mỹ huấn luyện và trang bị đầy đủ hơn? Ở phòng tuyến sông Trường Giang có cả 300 máy bay, 40 tàu chiến lớn, hơn 130 tàu cơ động yểm trợ ? Các câu trả lời đều không làm Truman hài lòng. Rút kinh nghiệm từ việc giúp Tưởng Giới Thạch không thành công, Truman tiếp tục ứng dụng “nguyên tắc Domino” ở các nước khác với vài điều thay đổi.
Cụ thể, ở Hàn Quốc, Truman không tập trung xây dựng quân đội Nam Triều Tiên (như Stalin đã và đang làm đối với quân đội Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên lúc ấy). Thay vào đó, Truman cam kết sẽ đưa lực lượng Mỹ trực tiếp đến ứng chiến trong trường hợp an ninh quốc phòng của Hàn Quốc bị xâm phạm.
Giữ lời hứa, Truman gởi quân tham chiến ngay khi Kim Nhật Thành từ Bắc Triều Tiên tiến đánh thủ đô Seoul của Hàn Quốc (ở giai đoạn ác liệt nhất tổng binh lực của hai bên: “Trung - Triều” + “Mỹ - Hàn Quốc - Liên hiệp quốc” trên chiến trường Triều Tiên lên đến hơn 3 triệu quân).
* LẬT NGƯỢC THẾ TRẬN TRIỀU TIÊN:
Được Mỹ tiếp cứu (xem Kỳ 52), cục diện của mặt trận đổi chiều. Ưu thế chiến trường không còn nằm trong tay Kim. Bởi hỏa lực của Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 1 và Sư đoàn bộ binh số 2 Mỹ ít nhất đã giúp kìm giữ thế cân bằng của đôi bên, cho đến lúc có bước đột phá ngoạn mục của tướng Mac Arthur làm sụp đổ một mảng lớn trong cấu trúc của kế hoạch “tiến nhanh đánh nhanh” do Kim Nhật Thành soạn thảo (được Stalin và Mao Trạch Đông đồng thuận, duyệt trước). Diễn biến “sụp đổ” như sau :
Ngày thứ 80 của cuộc chiến 15.9.1950 (tính từ lúc quân Kim nổ súng mờ sáng 25.6.1950 trở đi): sau nhiều tuần cầm chân đại quân của Kim ở phía Nam (trên vĩ tuyến 35), tổng tư lệnh Mc Arthur bất thần điều động Quân đoàn 10 Mỹ phối hợp 5.000 thủy quân lục chiến Hàn Quốc, có 500 máy bay và 260 tàu chiến yểm trợ, đổ bộ chiếm Incheon (vĩ tuyến 37).
Incheon là vị trí quan trọng nằm sát thủ đô Seoul và án ngữ phía “sau lưng” đại quân của Kim. Vậy nên, chiếm được vị trí này, tướng Mc Arthur đã cắt đứt đường tiếp tế huyết mạch từ Bắc Triều Tiên xuống và chặn đường rút lui của quân Kim từ phía Nam lên - đẩy các sư đoàn chủ lực của Kim vào gọng kiềm Nam - Bắc (lọt giữa vĩ tuyến 35 - 37). Quân Kim hoang mang vì bị triệt đường lương thực - tiến thoái lưỡng nan.
Ngày thứ 90 (25.9.1950): Quân Mỹ chiếm lại thủ đô Seoul. Cùng lúc, giăng sẵn “lưới hỏa lực” đón đại quân Kim lúc bấy giờ đang rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch” nguy ngập. Vì trước mặt, bị phòng tuyến Pusan (ở vĩ tuyến 35) đón đầu. Sau lưng, bị lực lượng của tướng Mc Arthur (từ vĩ tuyến 37) dàn ra, chặn đánh. Thế cùng, quân Kim liều lĩnh “mở đường máu” thoát thân, với cái giá phải trả bằng hàng vạn thương vong, để lại xác chết ngỗn ngang trên đường rút chạy ra Bắc Triều Tiên.
Ngày thứ 114 (19.10.1950): Liên quân Mỹ và các nước Liên hiệp quốc trên đà truy kích tàn quân Kim đã tiến thẳng qua vĩ tuyến 38 vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên, đánh chiếm luôn thủ đô Bình Nhưỡng, buộc Kim và bộ tham mưu phải bỏ chạy, phân tán nhiều ngã, thoát về “biên giới sông Áp Lục”.
Tướng Mc Arthur đưa quân đuổi theo, khẳng định: sông Áp Lục không phải là trở ngại nếu Mỹ muốn vượt qua để đánh vào nội địa Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, nhận được lời cầu cứu của Kim Nhật Thành và đe dọa của tướng Mc Arthur, Mao Trạch Đông tạm dừng mọi việc, khẩn cấp triệu tập “hội nghị Triều Tiên”, tuyên bố xuất quân!
Cuộc đối đầu trực diện và đẫm máu kéo dài hơn 3 năm giữa quân đội Mao Trạch Đông và Truman bắt đầu. (còn nữa).
Hồ sơ đặc biệt>>Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Giao Hưởng