Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 82: Cái chết của Ban-thiền Lạt-ma và án tử hình ở Lhasa

11/11/2014, 04:12

Các án tử hình và chung thân được tuyên vào cuối phiên tòa công khai xử “12 phần tử phạm tội” trong cuộc biểu tình đòi Tây Tạng độc lập trên đường phố Lhasa (năm 1989) liên quan xa gần đến cái chết đột ngột của Ban-thiền Lạt-ma từng bị Mao Trạch Đông bắt giam tại Bắc Kinh khi cách mạng văn hóa bùng nổ năm 1966…

Mao Mao viết: “Năm 1966, lịch sử nước Trung Hoa mới đã mở sang một trang bất hạnh (…) Cha tôi, gia đình tôi, toàn thể nhân dân Trung Quốc đều trải qua một thời kỳ điêu đứng, mê loạn, chính trị đảo điên, tình người điên đảo” (Cha tôi Đặng Tiểu Bình – sđd. tr. 853). Thời kỳ ấy, Mao Trạch Đông “phát động căm hờn” để các tiểu quỷ hồng vệ binh tấn công 2700 đền chùa Tây Tạng, xâm hại ngôi danh lam thiêng liêng Trát-thập Luân-bố.

Trát-thập Luân-bố, tiếng Tây Tạng là: Bkra-sis Ihun-po.

Bkra-sis nghĩa là: hạnh phúc, cát tường.

Ihun-po: ngọn núi.

Cho nên “tên chùa này có thể dịch là: Hạnh phúc sơn, hoặc Cát tường sơn” (tọa lạc ở thành Nhật-cấp-tắc Shigatsé) với 3.000 gian điện đường, 4 học viện mật thừa và hiển thừa, 14 kim đỉnh, tượng Phật Di Lặc bằng đồng mạ vàng cao 26,8 mét, nhiều bích họa và ấn chương bằng vàng ngọc (như ấn Đại tự đồ do Quốc sư đời Nguyên là Bát-tư-ba chế tác có khắc tiếng Mông Cổ), cùng các di vật có giá trị văn hóa khác.
Sáng lập bởi Đức Đạt-lai Lạt-ma đời thứ nhất (được xem là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm), đến đời Đạt-lai Lạt-ma thứ 5 “trở thành hệ thống của Ban-thiền, tăng chúng 3.800 vị, khi hưng thịnh có đến 7.000 vị” (Từ điển Phật học Huệ Quang - Hòa thượng Thích Minh Cảnh chủ biên, NXB Tổng hợp TP. HCM – 2005, tập VII, tr. 5752). Chua xót nhất của danh lam này là đã bị hủy hoại ngôi tháp dát bạc và khảm ngọc thạch dùng tôn thờ di thể (xác ướp) của các Ban-thiền.
Về Ban-thiền Lạt-ma, Đoàn Trung Còn viết: Ở Tây Tạng “có hai vị Phật sống (Hoạt-Phật) chức vị lớn nhứt: Ngài Đạt-lai Lạt-ma (ngự ở kinh thành Lhasa) và ngài Ban-thiền Lạt-ma (ngự ở Trát-thập Luân-bố - Shigatsé). Ngài Đạt-lại Lạt-ma thì cầm quyền quốc chánh và tôn giáo. Còn ngài Ban-thiền Lạt-ma thì được coi như bậc thầy cả về tôn giáo. Có khi ngài Đạt-lai Lạt-ma vắng mặt hoặc tịch hóa thì ngài Ban-thiền Lạt-ma thay quyền.
Các nhà đạo đức có dịp viếng qua xứ Tây Tạng và chầu đức Phật sống Ban-thiền Lạt-ma đều công nhận rằng ngài có mật hạnh, cốt cách hiền hòa và có dạ từ bi, hẳn là bực Phật Thánh giáng trần”. (Phật học từ điển, Quyển I, Phật học toàn thư xuất bản, Sài Gòn 1966). Tìm hiểu về Ban-thiền Lạt-ma, quý độc giả vui lòng tham khảo thêm: Từ điển Phật học Hán – Việt, Hòa thượng Kim Cương Tử chủ biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tr.85. Và: Từ điển Phật học Huệ Quang, sđd. Tập I, tr.260.

Linh tháp chùa Trát-thập Luân-bố thờ 5 di thể Ban-thiền Lạt-ma đời thứ 5 đến đời thứ 9. Ban-thiền Lạt-ma đời thứ 10 đã viết bức thư dài 70.000 chữ phản đối Mao Trạch Đông phá hoại chùa Trát-thập Luân-bố và triệt bỏ linh tháp. Mao tức giận, kết tội và bắt giam Ban-thiền. Mã Linh - Lý Minh viết: “Do bất mãn với cách làm kích động trong đại cách mạng văn hóa, Ban-thiền đã gởi lên trung ương một bản thất vạn ngôn thư (bức thư bảy vạn chữ) nên bị (Mao Trạch Đông) gán tội tống giam vào tù” - Hồng Phượng dịch, sđd ở Kỳ 77, tr. 214.

Đạt-lai Lạt-ma và Ban-thiền Lạt-ma đều bảo vệ Phật pháp Tây Tạng, song hai ngài có hai cách xử thế khác nhau. Ngài Đạt-lai Lạt-ma (thứ 14) phản đối quyết liệt đối sách của Mao Trạch Đông ghép Tây Tạng vào Trung Quốc.
Ngài Ban-thiền Lạt-ma (đời thứ 10) liên lạc và lên tiếng ủng hộ Đảng CS Trung Quốc từ lúc Mao Trạch Đông chưa về đến Bắc Kinh. Sau ngày Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa, Ban-thiền công khai tán thành chủ trương “giải phóng hòa bình Tây Tạng” của Mao. Dầu vậy, Mao vẫn không nể nang gì, trả đũa đàn áp thẳng tay những chỉ trích thẳng thắn của Ban-thiền Lạt-ma (về các sai lầm của Mao). Quyết liệt hơn, Mao kết tội Ban-thiền Lạt-ma theo con đường hữu khuynh để giam vào ngục: “mãi cuối thập niên 1970, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu dẹp loạn uốn nắn, Ban-thiền lại được trả tự do, khôi phục chức vụ (Phó Chủ tịch Quốc hội - Phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc - GH)”
Ra tù, Ban-thiền Lạt-ma về thăm chùa xưa Trát-thập Luân bố sau 18 năm xa cách. Các tín đồ quyết tử tìm đến “đem di hài của số cao tăng mà họ đã mạo hiểm cả tính mạng giữ lại được trong đại cách mạng văn hóa” giao ngài.
Ban-thiền thỉnh nguyện Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải xây lại các Phật điện và ngôi linh pháp để hợp tán di hài của 5 vị Ban-thiền và được chấp thuận. Bắc Kinh “đền bù” phần nào và đã cấp “108,35 ki-lô vàng, 1.000 ki-lô bạc” để xây linh tháp.
Sau 3 năm thi công, tháp hoàn thành ngày 10.12.1988 với “diện tích 1.933 mét vuông, cao 33,17 thước tây, tầng tháp cao 11,52 thước tây”. Lễ khai quang cử hành 20.1.1989 do ngài Ban-thiền chủ trì và Bí thư đảng ủy khu tự trị Tây Tạng Hồ Cẩm Đào đọc diễn văn chúc mừng.
Một tuần sau, ngài Ban-thiền chưa kịp về lại Bắc Kinh “đột nhiên bị nhồi máu cơ tim 28.1.1989” (sđd 218). Từ Bắc Kinh, Ôn Gia Bảo (bấy giờ là Bí thư dự khuyết Ban bí thư trung ương Đảng) lập tức dẫn các chuyên gia bệnh tim đáp chuyên cơ bay đến Tây Tạng, nhưng không kịp nữa. Ban-thiền qua đời ngay hôm đó (28.1).
Do cái chết đột ngột của Ban-thiền Lạt-ma, Đại pháp hội truyền chiếu (sinh hoạt truyền thống đã có ngót 500 năm ở Tây Tạng) sắp tổ chức phải hoãn lại. Thêm nữa, Bắc Kinh lo ngại nếu tổ chức Đại pháp hội vào dịp tròn 30 năm ngài Đạt-lai Lạt-ma phát động vũ trang giành độc lập Tây Tạng (1959-1989) sẽ có khả năng xảy ra sự biến không hay.
Quyết định hủy bỏ “đại pháp hội truyền chiếu” gây chấn động lớn trong dân chúng và Phật giáo đồ Tây Tạng. Lhasa liên tục diễn ra 4 vụ diễu hành đòi độc lập (từ 13.2 đến đầu 3.1989), lên đỉnh điểm ngày 5.3 với cuộc xuống đường của hơn 2.000 Phật tử: “Một số người bắt đầu xông vào đập phá cơ quan quận ủy và cơ quan chính quyền quận Thành Quan, ném đá vào đồn công an, trên phố đèn đuốc sáng rực. Trong cuộc gây rối ngày hôm đó, tổng cộng có 11 người chết, hơn 100 người bị thương”.
Hai ngày sau, bạo động vẫn tiếp diễn, Bắc Kinh ra lệnh cấm không ai được phép ra đường, đi lại. Thành phố Lhasa vắng ngắt, chỉ còn quân đội Trung Quốc và xe tăng án ngữ. Thống kê cho biết trong đợt đấu tranh đó có “gần 100 cửa hàng tư nhân và cửa hàng quốc doanh, tập thể bị đập phá hoàn toàn - 9 cơ quan chính quyền, 1 trường tiểu học, 2 ủy ban khu phố và một phân cục công an, 1 trụ sở phục vụ bảo an, 3 đồn công an bị đập phá, hơn 20 chiếc ô tô bị đốt, 1.004 sạp bán hàng tư nhân trên phố Bát Khoách không thể kinh doanh được từ ngày 4 đến ngày 7.3.1989” (Mã Linh – Lý Minh, sđd. tr. 222 – 223).
Nhiều người bị bắt và Lhasa mở phiên tòa đặc biệt xét xử “12 phần tử phạm tội trong sự kiện gây rối ở Lhasa ngày 5.3.1989” với án tử hình và tù chung thân. Đưa tin trên, tờ Tây Tạng nhật báo gọi những người biểu tình đòi độc lập Tây Tạng là “yêu ma” và cảnh báo “luật pháp của chúng ta (Trung Quốc) không phải là mũi “kim thêu” mà là “gậy giáng yêu” (chữ dùng của bài xã luận). Vượt lên những đe dọa, Lhasa vẫn tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh “hoa sen trong biển lửa” vào thập niên đầu của thế kỷ 21… (còn nữa)
Giao Hưởng
Bài liên quan
Tổng thống Biden tuyên bố để lại ‘di sản mạnh mẽ’ cho ông Trump
Tổng thống Joe Biden, trong những ngày cuối nhiệm kỳ, đã thể hiện sự tự tin rằng di sản của ông sẽ để lại cho chính quyền kế tiếp một nước Mỹ mạnh mẽ và vị thế quốc tế vững chắc hơn.

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 82: Cái chết của Ban-thiền Lạt-ma và án tử hình ở Lhasa