Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 79: Mao Trạch Đông và Chủ nghĩa Đại Hán trên núi tuyết

05/11/2014, 21:00

Một lực lượng mũi nhọn (trong số 80.000 quân Trung Quốc được huy động) đã lấy danh nghĩa “phòng ngự tích cực” của Mao Trạch Đông để “nổ súng tấn công” các tiền đồn của Ấn Độ lúc 5 giờ sáng 20.10.1962…

Tiếp đó hàng loạt cuộc đánh chiếm diễn ra suốt 30 ngày (đến 20.11.1962) trên một mặt trận dài hàng nghìn cây số từ đông sang tây, dọc theo đường biên giới.
Khoảng 12.000 quân Ấn Độ vốn chưa sẵn sàng đối đầu với chiến thuật “biển người” và “bão lửa” của pháo binh đối phương nên phải chịu thương vong nặng nề, rút khỏi 37 cứ điểm, để Trung Quốc lấn tới “xâm chiếm một vùng đất 40.000 km2 tại Kashmir, trong khu vực Atsai Chin, cho phép họ nối liền 2 tỉnh Tân Cương và Tây Tạng (…) họ vẫn đang yêu sách trên 85.000 km2 đất đai của Ấn Độ tại bang Anrunachal Pradesh.
Vấn đề này chỉ là “cái mỏm” nhô lên của những mâu thuẫn cơ bản hơn (về Tây Tạng) - có thể là cái cớ gây ra một cuộc xung đột mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc” (Pascal Boniface - Les Guerres de demain, bản tiếng Việt: Những cuộc chiến tranh trong tương lai? Thu Ngân dịch, NXB Thông Tấn, Hà Nội 2002, tr. 174).
Những tháng trước đó, các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa hai bên trên vùng núi tuyết có độ cao từ 4.00-4.900m đã báo hiệu “giông tố 20.10” sắp trút xuống.
Gần nhất, ngày 10.10.1962, đông đảo quân Trung Quốc bao vây nổ súng vào 50 binh lính Ấn Độ đang tuần tra ở Yumtso La. Tiếng súng và máu đỏ trên tuyết đã theo các bản tin bất thường cấp báo về New Delhi cho thủ tướng Janwaharlal Nehru (1889-1964): “những cuộc đụng độ nhỏ trên biên giới Ấn - Trung, dường như là một gánh nặng không thể chịu đựng nổi trên đôi vai gầy và già nua của ông - (lúc đó đã 72 tuổi).
Vì thế, đôi khi ông ngủ thiếp đi. Desai (cố vấn và là Bộ trưởng tài chánh) và tôi (hoàng thân Sihanouk) đành ngồi yên lặng, thông cảm và trân trọng sự mệt mỏi của ông, chờ ông thức dậy. Thông thường, ông không biết mình đã thiếp đi và mỉm cười trở lại ngay với cuộc đối thoại”. (Hồi ký Sihanouk - Trần Chí Hùng dịch, sđd ở Kỳ 44, tr.80).
Nehru là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ (từ 1947) giữ cương vị đó cho đến lúc qua đời ở tuổi 74 (1964). Ông có uy tín quốc tế, là “người thầy khác thường” của Sihanouk và các lãnh tụ “phong trào không liên kết”. Cuộc chiến biên giới kết thúc với hơn 3.100 lính Ấn Độ tử trận (Trung Quốc chết hơn 1.400 quân) là nỗi đau cho ông.
“Kẻ thắng cuộc” là Mao Trạch Đông. Người trăn trở và gánh chịu trách nhiệm về những vùng bị thất thủ vào tay Trung Quốc là ông - vì đã “không tăng cường phòng thủ đúng mức”.
"Từ sau chiến tranh biên giới Hoa - Ấn năm 1962, mọi người nhìn rõ tham vọng không bao giờ thỏa mãn của Trung Quốc muốn đòi những lãnh thổ mà họ đã thôn tính trong lịch sử".
Gốc rễ ăn sâu vào chủ trương của Trung Nam Hải sử dụng vũ lực với Ấn Độ (1962) và Việt Nam (chiếm Hoàng Sa 1974, phát động chiến tranh biên giới 1979, chiếm các đảo và đá ngầm Trường Sa 1988) là tư tưởng Đại Hán do Mao hô hào phục hồi được nhiều học giả trong và ngoài nước phân tích.
Luật sư Nguyễn Hữu Thống - tác giả biên soạn tài liệu “Hoàng Sa - Trường Sa theo Trung Quốc sử” - nhận định: “Từ sau chiến tranh biên giới Hoa - Ấn năm 1962, mọi người nhìn rõ tham vọng không bao giờ thỏa mãn của Trung Quốc muốn đòi những lãnh thổ mà họ đã thôn tính trong lịch sử".
Chính sách này được phổ biến năm 1954 trong cuốn “Lịch sử Tân Trung Quốc” có kèm theo bản đồ, nhắc lại lời Mao: “Tất cả các lãnh thổ và hải đảo thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc đã từng bị phe đế quốc Tây phương và Nhật Bản chiếm đoạt từ giữa thế kỷ 19 đến sau thế chiến lần thứ nhất, như Ngoại mông, Triều Tiên, An Nam, Mã Lai, Thái Lan, Miến điện, Bhutan, Nepal, Ladakh, Hồng Kông, Macao, cùng những hải đảo Thái bình Dương như Đài Loan, Bành Hồ, Ryukyu, Sakhalin, phải được giao hoàn cho Trung Quốc.
“Đây là khát vọng bá quyền của Trung Quốc không bao giờ thỏa mãn. Đế quốc Ngai Rồng phát sinh từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế và Minh Thành Tổ đã được Mao Trạch Đông chủ trương phục hồi từ 1955”.
Đến năm 1959, hố ngăn cách giữa chủ tịch Mao và thủ tướng Nehru khó lấp đầy sau cuộc vận động vũ trang giành độc lập của Tây Tạng. Cuộc vận động bất thành, ngài Đạt-lai Lạt-ma phải sống lưu vong, được thủ tướng Nehru mở rộng cánh cửa biên giới tiếp nhận và trao quy chế tỵ nạn chính trị: “Đạt-lai Lạt-ma chạy ra nước ngoài, cao nguyên Tuyết vực Tây Tạng đã trở thành nơi tiền tiêu nhất mà Trung Quốc triển khai cuộc đấu tranh chống chia rẽ.
Đạt-lai Lạt-ma tháng 6.1959 đã đưa ra tuyên bố tại Moussouri của Ấn Độ rằng: “Trên thực tế Tây Tạng từng độc lập từ lâu”! Và vào đầu những năm 1960 đã thành lập chính phủ lưu vong Tây Tạng” chống Trung Quốc (Mã Linh - Lý Minh - sđd tr.203)
Mao không khỏi giận tức Nehru. Mao phàn nàn Ấn Độ đã dung dưỡng “Chính quyền trung ương Tây Tạng (Central Tibetan Administration)” tại bang Pradesh, tác động đến tình hình bất ổn triền miên ở Lasha.
Lahsa phản đối Bắc Kinh đã xâm hại di sản văn hóa của Tây Tạng: chùa Trát Thập Luân Bố “là một trong bốn ngôi chùa lớn của Tây Tạng nổi tiếng khắp thế giới vốn có hàng ngàn tượng Phật, trong đó có tượng Giáng Ma thiên nữ do pháp vương Căn Đôn Chu tự tay làm ra, là tượng đồng dát vàng quý nhất thế giới - trải qua đại cách mạng văn hóa, những cổ vật quý giá đó bị phá hoại có tính hủy diệt” (sđd. tr. 214).
Đến đầu năm 1989, khi Hồ Cẩm Đào nhậm chức Bí thư Đảng ủy khu tự trị Tây Tạng (đại thần Trung Nam Hải có quyền lực cao nhất ở Lasha) phải đối diện với các cuộc biểu tình đông hàng nghìn dân chúng, dẫn đầu bởi 13 vị Lạt-ma và các tín đồ Phật giáo Tạng truyền quyết tử, giương cao lá quốc kỳ “Tuyết sơn sư tử” đòi Tây Tạng độc lập. Quân đội với xe tăng Trung Quốc xuất hiện trên đường phố và máu đã chảy.
Tài liệu của Mã Linh - Lý Minh xuất bản tại Trung Quốc ghi nhận: “Ngày 5.3.1989, Lasha xảy ra nhiễu loạn ở quy mô chưa từng có - trong cuộc gây rối ngày hôm đó, tổng cộng có 11 người chết, hơn 100 người bị thương - Quốc vụ viện phải quyết định thực hiện Lasha giới nghiêm bắt đầu từ 0 giờ ngày 8.3” - (Hồ Cẩm Đào - Con đường phía trước, sđd. tr. 222).
(còn tiếp)
Giao Hưởng
Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 79: Mao Trạch Đông và Chủ nghĩa Đại Hán trên núi tuyết